Mỗi một doanh nghiệp đều có một câu chuyện thương hiệu của riêng mình. Nhiều đơn vị khi khách hàng bỗng nhiên hỏi những câu hỏi đại loại như lịch sử hình thành và phát triển của doanh nghiệp có gì đặc biệt? quá trình đó doanh nghiệp có gặp khó khăn gì không? Và đã xử lý ra sao? Khách hàng đóng vai trò như thế nào trong con đường phát triển của bạn?… thì nhân viên của bạn hoặc thậm chí ngay cả bản thân nhà quản lý cũng gặp vài phút bối rối.
Hãy cho khách hàng biết về câu chuyện thương hiệu của bạn.
Cốt chuyện rõ ràng, lối kể chuyện hấp dẫn
Mới tiếp xúc khách hàng sẽ chưa biết bạn là ai, to lớn thế nào, bạn đã trải qua những gì để có được thành tựu nổi bật như ngày hôm nay. Do đó, câu chuyện của bạn kể phải chứa đựng một cốt chuyện rõ ràng, được kể ra với lối kể chuyện hấp dẫn. Phải thể hiện rõ nét chính về bản thân doanh nghiệp như: bạn là ai? Hoạt động trong lĩnh vực gì? Hoạt động như thế nào? Vì sao lại chọn lĩnh vực đó? Sản phẩm/ dịch vụ của doanh nghiệp bạn có gì vượt trội so với các đơn vị cùng ngành nghề khác?…
Câu chuyện của bạn là gì?
Bố cục khoa học, nội dung chọn lọc, nhấn mạnh điểm đặc sắc
Khi bắt đầu kể câu chuyện của mình, doanh nghiệp cần chú ý các tình tiết nên được sắp xếp bằng một bố cục khoa học, chặt chẽ; các yếu tố cần phân biệt rõ ràng hợp lý về mặt thời gian. Nội dung cần thể hiện tính nhất quán, sáng tạo, ăn nhập giữa các thời gian, địa điểm, hoạt động xẩy ra. Chú ý sắp xếp các hoạt động theo thứ tự, truyền thống/ thành tích xưa/nay, các hoạt động sắp/dự kiến sẽ diễn ra,.. Đặc biệt, tất cả những điểm này cần được chuẩn hóa trên mọi tài liệu marketing, tài liệu bán hàng, bộ nhận diện thương hiệu, tài liệu truyền thông,… Tất cả đều nên được đi kèm hình ảnh được thiết kế một cách chuyên nghiệp, thể hiện rõ đẳng cấp của doanh nghiệp bạn.
Sự sáng tạo là điều không thể thiếu khi bạn xây dựng câu chuyện.
Thông điệp bạn muốn truyền tải
Đây là mấu chốt quan trọng nhất mà nhà quản lý doanh nghiệp giỏi cần chú ý trong nội dung về câu chuyện thương hiệu. Bạn không đơn giản chỉ kể về bản thân mình cho vui mà qua đó cần chuyển tải một thông điệp nhất định. Ví dụ, là một thương hiệu thực phẩm lớn và bạn kể rằng vì một lần bị ngộ độc thực phẩm suýt ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, do đó tất cả sản phẩm thực phẩm của công ty bạn luôn được kiểm tra kỹ lưỡng về mặt an toàn, và đảm bảo độ an toàn tuyệt đối trước khi đến tay người sử dụng. Hay đơn giản, vì tuổi trẻ của bạn đã gặp vô vàn chông gai trên con đường tu nghiệp nước ngoài vì khó khăn của gia đình về mặt tài chính, nên công ty dịch vụ tài chính của bạn luôn có những chính sách ưu đãi dành cho các đối tượng sinh viên giỏi nhưng có hoàn cảnh khó khăn,.. Tất cả thông điệp ẩn chứa bên trong chuyện kể cần phải lay động lòng người, tạo ra tình cảm gần gũi với khách hàng, từ đó xây dựng nên lòng tin.
Giải đáp tất cả những câu hỏi đặt ra
Tính khoa học trong câu chuyện thương hiệu của doanh nghiệp cần đảm bảo là bạn đã trả lời hết tất cả các câu hỏi khách hàng thường đặt ra hay chưa? Câu trả lời cần mang tính cụ thể, không nên trả lời theo lối chung chung, nên đi thẳng vào vấn đề thay vì trả lời vòng vo; sự khúc chiết mà đủ nghĩa trong cách kể chuyện của bạn sẽ giúp khách hàng dễ dàng nhận biết và ghi nhớ. Đây đồng thời cũng là cách bạn giúp nhân viên của mình dễ dàng giải đáp những thắc mắc của khách hàng, tiếp thêm sức mạnh cho hệ thống nhận diện thương hiệu của bạn. Và tất nhiên, khi câu chuyện thương hiệu được tạo ra thì các tài liệu truyền thông đã bắt đầu có thể được thiết kế và truyền tải ra ngoài, thị trường rộng lớn ngoài kia đang là của công ty bạn.
Một câu chuyện thương hiệu hay giúp bạn kết nối với rất nhiều khách hàng.
Doanh nghiệp bạn đã có câu chuyện thương hiệu sáng tạo cho riêng mình chưa? Câu chuyện đó đã được truyền đi bằng những thiết kế đúng chuẩn branding chưa?
Nguyễn Thị Hà - Brandsvietnam
Không có nhận xét nào: